Tổ chim

Lắng nghe và phán xét

25 Feb 2024

Tiếp từ bài Lời nói đầu năm, chủ đề lần này sẽ liên quan đến những suy nghĩ của mình về lắng nghe. Dĩ nhiên khi đã biết sức mạnh của lời nói thì mình nghĩ cần phải tập khả năng lắng nghe. Khi tiếp nhận lời nói của kẻ khác đầu tiên chúng ta cần tập một thái độ cực kỳ bình tĩnh, nhẹ nhàng và nên coi như lời nói là làn gió thoảng qua, tâm bất động, chỉ cần hiểu cảm giác làn gió, mát hay nóng là đủ. Không cần phát xét, suy nghĩ xa hơn, việc đấy để sau, coi như là những thứ dang dở nếu cần xử lý thì sẽ được ghi nhận và xử lý sau, không cần vội phải hành động gì ngay lúc đó. Sau này chúng ta cần phải có năng lượng và trí để có thể hấp thu, xử lý được lượng thông tin đó nữa.

Theo Lão tử, đạo là vô tư và không phán xét, muốn có được hạnh phúc thật sự thì phải bỏ đi cái óc phân chia sự vật, vì tất cả sự vật đều tương đối, đều là vô thường, đều biến động không ngừng, không gì mà không thay đổi, hoặc mau hoặc chậm mà thôi. Do đó những gì chúng ta phán xét hôm nay chưa chắc ngày mai đã đúng và liệu chúng ta có đủ dữ kiện để phán xét theo góc nhìn của chúng ta hay không ?

Cổ ngữ có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, bậc tài trí giả nhìn như ngu dốt, kẻ dũng mãnh nhìn như khiếp nhược. Quỷ Cốc Tử cũng nói: “Người thông minh xưa nay không hề khoa trương sở trường của mình, giả ngốc, giả đần, giả hồ đồ là cách tốt nhất để ẩn thân”. Do đó nhìn bề ngoài khó mà phán xét người khác được và chúng ta cũng phải học cách làm sao lắng nghe và bớt nói để luyện trí, nhu nhường để luyện dũng, khi đó mới có thể nhìn thấy sự an yên được.