Năm mới nói về chữ nghĩa một chút, chữ này mình cũng có tâm đắc một thời gian khá dài, sẵn đây gặp lại bạn cũ 10 năm nên mới tức cảnh viết lại, đó là Lời nói (phát ngôn) chữ Hán là chữ ngôn (言).
Chữ ngôn (言) theo chiết tự từ hình vẽ cái lưỡi chữ Hán là thiệt(舌) và thêm nét gạch ngang 一 phía trên cùng của lưỡi (丫) biểu thị lời nói phát ra.
Lời nói phát ra âm(音) có phần phía trên của chữ 舌 là chữ 丫, khi viết thêm một gạch ngang (一) trở thành hình dạng giống chữ tân(辛) vừa là hình vẽ một khí cụ, đồng thời là chỉ vị cay nơi đầu lưỡi, ý nghĩa mỗi khi phát ngôn ra âm thì lưỡi lại cay giống như kim đâm 😂 (mình tự chế thêm).
Lời nói có thể được hình dung như dòng nước, len lỏi qua khe đá bào mòn mọi thứ, chứa nhiều thứ trong đó, có tốt có xấu. Con người dĩ nhiên sống không thể thiếu nước, cũng như thiếu lời nói vì đó là lẽ sống, là công cụ giao tiếp kèm theo cảm xúc giữa người với người. Trẻ con đầu tiên ngoài thứ đầu tiên phải học là học ăn theo bản năng sau đó đến học nói, học gói, học mở …
Lời nói cũng có thể được ví như lưỡi dao có thể rất sắc bén, làm máu chảy có thể gây chết hàng vạn người hay thậm chí nhiều khi xóa xổ cả một dân tộc, cũng có thể như đá mài, làm giảm đi thương vong, chữa lành và xây dựng cả một đế chế vĩ đại. Điều này giải thích vì sao có người càng lên chức cao lại càng chú trọng lời nói và lại càng nói nhiều. Đức Phật hay Chúa dùng lời nói để phán dạy cứu rỗi chúng sinh, cha mẹ thầy cô dùng lời nói để nuôi dạy lớp trẻ nên người …
Lời nói đúng là không mất tiền mua nhưng nói bậy hoặc không đúng thời điểm nhiều khi cũng mất rất nhiều tiền như bài học nhãn tiền của Jack Ma.
Do đó lời nói có năng lượng, đứng về phía vật lý học, lời nói là sóng âm thanh phát ra từ miệng, sóng mang năng lượng được đo bằng cường độ âm (dB), còn theo phương Đông thì đó là khí, về mặt âm dương thì có thể gọi là Nguyên Khí, lời nói phát ra có thể mang Dương Khí hoặc Âm Khí …
Lời nói tuy về mặt vật lý phát ra từ lưỡi, miệng tuy nhiên có thể từ “tâm”, người xưa khuyên “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chính là vậy, nói từ lưỡi thì nhanh và dễ nhưng từ tâm lại cần trí nên sẽ chậm hơn.
Chắc ai cũng biết “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, cách dùng lời nói để đạt mục đích ra sao tùy người vận dụng nó một cách nghệ thuật, có người vô ý có người hữu ý. Hoa rơi hữu ý nước chảy vô tình, thanh xuân mây khói tùy duyên tùy ngộ.
Do đó lời nói nhìn vậy dễ mà khó, luyện cách nói lời hay ý đẹp vô ý lại càng khó hơn. Sống trong đời nhiều khi gần đất xa trời còn chưa đủ thời gian lĩnh ngộ được đúng như câu “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” (書不盡言, 言不盡意) …
Tuy nhiên đỉnh cao hơn lại là việc học im lặng, lắng nghe. Người xưa có câu “Ba năm học nói, cả đời học lắng nghe”, Đức Lạt Ma từng bảo: “Khi bạn nói, bạn chỉ nói ra những gì bạn đã biết. Nhưng khi bạn nghe, bạn có thể học được nhiều điều” hay Publilius Syrus (một người viết nhiều câu châm ngôn Latin nổi tiếng sống vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên) từng thổ lộ: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ vì sự im lặng của mình”, biết khi nào cần nói, khi nào cần nghe cuối cùng lại cũng là nghệ thuật chọn thời điểm mà thôi.