Gồng mình lên để làm gì ? Impostor syndrome (hiệu ứng mặt nạ hoặc hiệu ứng kẻ giả mạo là gì ?).
Bài này thực ra là gom lại nhiều cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên có lẽ xuất phát từ lúc đọc bài này trên Forbes mấy năm trước, được Atlassian blog đăng tải cảm nghĩ của vị CEO của họ, tuy nhiên gần đây cụm từ “trọc phú kiến thức” lại được nhắc đến nhiều nên mình có một số suy nghĩ lan man liên kết mọi thứ lại một chút như sau:
Thường đa số mọi người đều có một đặc điểm chung là hay tô vẽ bản thân mình lên, đeo một cái mặt nạ đẹp đẽ hơn cho mình, điều này thực ra cũng chẳng gây hại gì mà cũng chẳng có lợi. Nhu cầu được ngưỡng mộ từ người khác là một nhu cầu chính đáng. Để mọi người ngưỡng mộ cá nhân, thì cá thể đó phải tìm mọi cách để nâng tầm bản thân mình hơn mọi người, có thể bằng tài năng thiên bẩm, bằng nỗ lực phi thường qua thời gian hoặc đơn giản chỉ cần tự “gồng” mình lên hoặc kiếm một cái mặt nạ đẹp đẽ tròng vô là đủ.
Ngược lại với anh CEO Atlassian ở trên, trong quá trình gầy dựng công ty, ảnh phải đi đóng nhiều vai, đảm nhiệm nhiều vai trò, trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ mà chưa từng biết qua, gầy dựng công ty tỉ đô như vậy tuy nhiên ảnh lại không cảm thấy bản thân mình xứng đáng với các kết quả trên, sợ người khác phát hiện ra mình không tài năng đến mức đó ?
Tuy nhiên cũng có những người lại gồng mình lên, tô vẽ bản thân, sản phẩm quá thực tế, khả năng đang có mà không hề cảm nhận được.
Để làm gì ?
Dĩ nhiên là để mọi người tin tưởng, để xây dựng và bán sản phẩm.
Cả 2 cách nhìn không thể nói ai đúng ai sai, chỉ có thể nói ở vị trí, hoàn cảnh khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau. Hiệu ứng kẻ giả mạo chỉ được nhận thức khi bạn ở trên đỉnh, nhìn xuống thấy mình quá nhỏ bé. Người đứng dưới chân núi chỉ thấy mình muốn vươn cao hơn thôi.
Anh phát biểu cụm từ “trọc phú kiến thức” dĩ nhiên có thể nhận thức được chuyện này, hoặc không ? Mình không biết được, tuy nhiên với bài phát biểu dài lê thê, lặp đi lặp lại và cố giải nghĩa những khái niệm triết học phương Tây mà nhất là của Nietzsche với thời gian ngắn ngủi, trước các bạn sinh viên như vậy mình cảm thấy chưa phù hợp lắm. Khả năng viết, đọc và kiến thức sử dụng ngôn ngữ của ảnh thì không ai bàn cãi, tuy nhiên có thể ảnh phải gồng mình lên, đeo một cái mặt nạ để phù hợp với ngữ cảnh như vậy tất nhiên sẽ gây tranh cãi. Có thể ảnh cũng nhận thức được hiệu ứng như trên thông qua việc khuyến khích mọi người trải nghiệm thực tế bằng kiến thức của chính mình thay vì đi phát biểu những thứ của người khác ?
Mình không đứng ở vị trí của ảnh khó mà phán xét đúng sai, tuy nhiên nếu ảnh chọn từ ngữ nhẹ nhàng, là chính mình và kể lại những trải nghiệm bản thân phù hợp với chủ đề thì có lẽ sẽ bớt gây ra những tranh cãi không đáng có.
Vậy nên gồng hay không gồng, nên đeo hay cởi ?
Thực ra là tùy thời điểm, nên và không nên. Timing(chọn thời điểm) là nghệ thuật của mỗi người, không ai có thể đứng trong hoàn cảnh của người khác để có thể suy xét đúng sai. Mọi thứ lợi hay hại đều rất tương đối và hay hoặc dở tùy thuộc vào khả năng, nhận thức mỗi người. Cái mình luôn tâm niệm rằng suy nghĩ và nhận thức của chính bản thân mới là thứ quan trọng hơn tất thảy.